Image
10-05-2024

CHUYỆN VỀ NGƯỜI VIẾT “VĂN HÓA DU THUYỀN” TẠI VIỆT NAM

Là một trong tứ đại gia kinh doanh hàng hiệu đứng đầu Việt Nam, ông Đoàn Viết Đại Từ – Chủ tịch Openasia Group đã góp phần đưa “văn hóa du thuyền” về Việt Nam.

Khá kín kẽ và hiếm khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông trong nước song Openasia Group – tập đoàn do ông Đoàn Viết Đại Từ sáng lập và giữ chức Chủ tịch lại được đánh giá là đối thủ hiếm hoi trong phân khúc phân phối sản phẩm xa xỉ với tập đoàn IPP của ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

Trong khi IPP đang đẩy mạnh đầu tư vào ngành hàng không trong thời gian gần đây, thì Openasia Group – với hoạt động cốt lõi là dịch vụ ngân hàng đầu tư và tư vấn tài chính, lại âm thầm xây dựng một hệ sinh thái phân phối đồ siêu sang tại những vị trí đắc địa nhất ở 2 thành phố Hà Nội và TP HCM, đồng thời phát triển rất mạnh đối với lĩnh vực cung cấp các dịch vụ cao cấp.

Ông chủ đế chế hàng hiệu kín tiếng

Ông Đoàn Viết Đại Từ sinh năm 1963, là Việt kiều mang quốc tịch Pháp. Ông Đại Từ được đào tạo chuyên ngành quản trị kinh doanh, tiếp thị và tài chính tại Đại học Paris IX – Dauphine. Ông đã thành lập công ty đầu tiên của mình tại Sydney năm 1986 và về định cư tại Việt Nam năm 1994 để thành lập Openasia, chi nhánh ngân hàng đầu tư Lazard Frères’ Indochina.

Ông Đoàn Viết Đại Từ đã có khoảng 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tư vấn và đầu tư tài chính ở Úc, Pháp và Việt Nam. Ông cũng là người đồng sáng lập công ty IPA Network chuyên trợ giúp các Công ty Châu Âu tại Sydney, Úc từ năm 1986.

Những năm đầu thập kỷ 90, ông Từ tham gia đồng sáng lập Openasia và sau đó mua lại công ty này từ Ngân hàng Đầu tư Lazard Frères của Pháp vào năm 1998. Vị đại gia kín tiếng này đã thành công trong việc phát triển Openasia trở thành một nhóm các công ty hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, với hệ sinh thái danh mục đầu tư tư nhân phát triển ra nhiều lĩnh vực.

Được thành lập từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, lĩnh vực hoạt động ban đầu của Openasia Group là dịch vụ ngân hàng đầu tư và tư vấn tài chính. Tập đoàn này đã tư vấn cho hơn 600 khách hàng là các công ty trong nước và quốc tế như Vinamilk, Metro Cash&Carry, Satra trong gần 3 thập niên qua.

Tuy nhiên, những năm gần đây Openasia Group đã dần đa dạng hóa chiến lược đầu tư, khi đẩy mạnh vào nhiều lĩnh vực khác nhau gồm phân phối hàng cao cấp, kinh doanh thiết bị hàng không, công nghệ, du lịch, thủ công mỹ nghệ, thẻ tiêu dùng thông minh và tư vấn đầu tư.

Thông qua công ty con Tam Sơn Fashion, Openasia Group trở thành một trong những đơn vị phân phối sản phẩm thời trang xa xỉ lớn nhất tại Việt Nam – cạnh tranh trực tiếp với “ông vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn, với danh mục những thương hiệu như: Hermès, Chopard, Bottega Veneta, Saint Laurent, Kenzo, Hugo Boss, B&O…

Các cửa hàng của Tam Sơn cũng được đặt tại những địa điểm xa xỉ bậc nhất tại các thành phố lớn. Tại Hà Nội, hệ thống cửa hàng phân phối từng thương hiệu của đơn vị này được đặt tại Sofitel Metropole, Melia Hà Nội, Tràng Tiền Plaza, hay những tuyến phố như Lý Thái Tổ. Còn tại TP HCM, Tam Sơn lựa chọn Sheraton Sài Gòn Hotel, Union Square, hay những tuyến phố đắt đỏ bậc nhất tại Quận 1 như Nguyễn Huệ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Mô hình kinh doanh hàng hiệu của Openasia là nhập khẩu và phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng từ chính hãng qua hệ thống các cửa hàng bán lẻ cao cấp do chính họ đầu tư. Thông tin từ nhà phân phối này cách đây vài năm cho hay, chi phí đầu tư ban đầu cho một cửa hàng bán lẻ hàng hiệu cao cấp thường dao động từ 2-4 triệu USD, cá biệt có thể lên tới 6 triệu gồm phí thuê mặt bằng trong 1-2 năm đầu, thiết kế nội ngoại thất, thuê nhân sự, quảng bá tiếp thị… Với hệ thống 20 cửa hàng hiện tại, riêng tiền mặt bằng có thể ngốn của Openasia Group vài chục triệu USD mỗi tháng.

Đối với mảng du lịch – nghỉ dưỡng, Openasia Group sở hữu nhà hàng Press Club với vị trí đắc địa ngay cạnh hồ Gươm, thương hiệu khách sạn – nước khoáng Alba và du thuyền Emeraude Hạ Long. Ông Đoàn Viết Đại Từ cũng được cho là người mang Starbucks về Việt Nam.

Ngoài các sản phẩm thời trang và cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng, Openasia Group còn hoạt động trong một số lĩnh vực khác như dịch vụ công nghệ thông tin, thủ công mỹ nghệ, kinh doanh xe tải, thiết bị ngành mỏ…

Thương hiệu mới nhất được Openasia đầu tư là Toong – chuỗi không gian làm việc chung đầu tiên tại Việt Nam, hiện đã mở được 3 cơ sở tại Hà Nội.

Ông Đoàn Viết Đại Từ hiện còn là Chủ tịch của CTCP Liên Á Quốc tế, doanh nghiệp phân phối thương hiệu xe Audi tại Việt Nam. Ông Từ là cổ đông sáng lập nắm 80% của Liên Á nhưng cuối năm 2016 đã chuyển nhượng số cổ phần của mình sang cho Openasia Equipment và Pacific Wheel – 2 công ty có trụ sở tại Hongkong.

Người viết nên “văn hóa du thuyền”

Là người có quốc tịch Pháp, có lẽ niềm đam mê với những chuyến du ngoạn biển khơi đã ngấm vào máu ông Đoàn Viết Đại Từ từ lâu, để rồi vào năm 2017, Tamson Yachting được chính thức ra đời, ấp ủ trong đó bao tình cảm và khát vọng mà ông Từ dành cho ngành du lịch và du thuyền Việt Nam.

Khi nói về du thuyền, ông cho rằng, chìa khóa chính là dịch vụ, bởi vì du thuyền là thứ rất phức tạp để bảo trì, vận hành, và ở Việt Nam, chúng ta không hề có văn hóa du thuyền. Chúng ta không có những người biết về quản lý, điều hành du thuyền, vì vậy những gì chúng tôi đã làm từ đầu khi bắt đầu Tamson Yachting khoảng 3-4 năm trước chính là phát triển hệ sinh thái.

Theo ông, điểm mấu chốt của kinh doanh du thuyền đó chính là dịch vụ. “Bạn bán thuyền, bạn phải đảm bảo về mặt dịch vụ. Nếu không, bạn đừng nên nghĩ đến nó, vì như vậy là không tôn trọng chính khách hàng của mình”, ông nói.

Theo đuổi điều này nên ngay từ khi mở ra Tamson Yachting, ông Từ đã lập ra một đội ngũ kỹ thuật để làm dịch vụ. “Tôi tuyển dụng 15 kỹ sư và thuyền trưởng, và sau đó chúng tôi mới bắt đầu bán hàng. Nhưng điều đó chưa đủ. Điều khó khăn ở đây là việc tìm được một thuyền trưởng có thể vận hành một khách sạn 5 sao. Đúng vậy. Du thuyền chính là một khách sạn 5 sao. Còn thuyền trưởng là ai? Thuyền trưởng chính là một hướng dẫn viên chuyên nghiệp: họ cần có đủ kiến thức để đáp ứng các nhu cầu của người đi du thuyền, về sông, về biển, về những nơi cần đi. Cùng với đó, họ cũng là người bạn thân thiết nhất của bạn: người đảm bảo sự an toàn cho bạn, mang đến bạn mọi trải nghiệm đẹp đẽ, tiếp đãi và lắng nghe bạn khi cần.

Thuyền trưởng cũng là một quản lý khách sạn: người đảm bảo mọi phòng ốc sạch sẽ, ngay cả khi họ không có mặt ở đó mà ở khoang lái tàu. Vì vậy, họ cần được đào tạo kỹ lưỡng, không chỉ về bảo trì thiết bị mà còn là vận hành các dịch vụ sang trọng”, ông Từ chia sẻ.

Nói về việc đưa các hãng du thuyền về Việt Nam, ông chủ Openasia Group cho biết: “Có lẽ mọi người cũng đã biết, tập đoàn chúng tôi (Openasia Group) là tập đoàn về phong cách sống, điều đó đồng nghĩa với việc chúng tôi phục vụ mọi người trong suốt cuộc hành trình của họ. Vào mỗi sáng thức dậy, khách hàng của chúng tôi có thể khoác vào bộ đồ Saint Laurent, đi giày Bottega Veneta và đeo túi Hermès, ghé vào mua ly cà phê ở Starbucks, sau đó lái chiếc Audi đến văn phòng làm việc ở Toong, và cuối ngày đến nhà hàng PressClub để ăn tối cùng bạn bè, sau đó ghé một số cửa hàng như Hanoia để mua thứ gì đó làm quà tặng. Vào cuối tuần, họ có đến khu nghỉ dưỡng Alba Wellness Resort của chúng tôi ở Huế, hay rong ruổi trên du thuyền Bénéteau cùng bạn bè. Đó là hành trình của một người muốn tự thưởng cho mình và có phong cách sống nhất định. Chúng tôi mang đến cho họ các thương hiệu trên cuộc hành trình đầy trải nghiệm đó.

Điều quan trọng là chúng tôi luôn có các thương hiệu tốt nhất. Bạn không thể có trải nghiệm tồi tệ nào với Hanoia, Hermès hay Audi. Du thuyền cũng tương tự như vậy. Chúng tôi đã dành nhiều thời gian để quyết định xem đâu là các hãng tốt nhất. Vì vậy, đầu tiên, chúng tôi nhắm đến cái tên số một trên thế giới: Bénéteau, một hãng du thuyền của Pháp. Và với catamaran, chúng tôi cũng tìm đến cái tên số một khác là Lagoon. Chiếm lĩnh 40% tổng thị phần catamaran trên thế giới, Lagoon nổi tiếng đến nỗi ở một số quốc gia, người ta gọi Lagoon thay cho từ catamaran, cũng như cách người Việt Nam nói về Honda thay vì xe máy vậy”.

Và sau đó ông tìm đến siêu du thuyền. Ông tiếp cận một công ty Ý nổi tiếng về siêu du thuyền, đó là Monte Carlo. “Giống như cách bạn có thể tùy biến với sản phẩm của Hermès và Audi, Monte Carlo mang đến khả năng tùy biến tuyệt vời như một chiếc super mega yacht thứ thiệt chỉ với kích thước của một phiên bản nhỏ hơn rất nhiều, như 56 hoặc 105 feet. Bên cạnh đó, Monte Cardo còn rất nổi tiếng với nét thẩm mỹ đậm chất Ý, thứ đã mang đến cho hãng hàng loạt giải thưởng danh giá mỗi năm”,ông Từ nói.

Cứ như vậy, ông đã có cả chuỗi thương hiệu danh tiếng với 150 mẫu mã, đủ để đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.

“Nếu bạn muốn tận hưởng ngày cuối tuần cùng bạn bè và đang sinh sống ở Sài Gòn, bạn sẽ cần một vài mẫu du thuyền đặc thù. Nếu bạn là chủ công ty muốn mua du thuyền để cho thuê làm dịch vụ ở khách sạn hoặc khu nghỉ dưỡng ven biển, bạn sẽ cần mẫu du thuyền khác nữa. Tuỳ thuộc vào mục đích mà bạn có thể có rất nhiều sự lựa chọn khác nhau. Đôi khi, sự khác biệt giữa các mẫu là vô cùng mong manh, và bạn phải thật sự hiểu tường tận để bán đúng sản phẩm. Bạn phải hiểu về thị trường, khách hàng, về tài chính, về công nghệ… có rất nhiều kiến thức và kỹ năng cần có để thực hiện việc kinh doanh này, chứ không chỉ gói gọn trong mỗi việc bán hàng”, ông Từ phân tích

Đó là lý do mà cách đây 2 năm, chúng tôi đã mở ra trung tâm dịch vụ du thuyền, với đội ngũ nhân viên và dịch vụ đầy đủ. Có thể nói, đây là trung tâm dịch vụ du thuyền đầu tiên tại Việt Nam. Hơn 80% việc bảo trì du thuyền là trên mặt nước, nhưng ít nhất là từ một đến 2 lần mỗi năm, chúng ta cần đưa nó ra khỏi nước để làm sạch, kiểm tra. Chúng ta cần có đủ cơ sở vật chất để làm được điều đó một cách an toàn và đảm bảo. Và điều đặc biệt là trung tâm này phục vụ cho tất cả mọi người, không chỉ riêng khách hàng của Tam Sơn.

Nói về những khó khăn khi vận hành trong lĩnh vực xa xỉ này, ông Đại Từ cho biết, một chiếc du thuyền có giá từ 15.000 đến 15 triệu USD (bao gồm thuế), và hầu hết du thuyền có tầm giá khoảng 1 triệu USD. Vì vậy, việc vận hành cả con tàu là điều rất quan trọng. Khó khăn đầu tiên mà ông gặp phải là không có bến du thuyền nào ở Việt Nam. Chúng ta không thể cứ đỗ du thuyền ở bờ sông hay biển nào đó và để nó bị hao mòn theo năm tháng được.

“Khi một người đàn ông mua du thuyền (hầu hết người mua du thuyền đều là đàn ông), họ sẽ muốn chăm sóc nó như người tình vậy. Họ không thể bỏ rơi người tình của họ ở bến xe buýt và để cô ấy tự lo được”, ông Đại Từ ví von.

Đó chính là lý do mà ở Sài Gòn, ông có 2 bến du thuyền, một ở Vinhomes Central Park, một ở Swan Bay.

“Chúng tôi đã bỏ rất nhiều tiền của và công sức để tạo nên 2 bến du thuyền này, và tất cả là để phục vụ cho khách hàng. Nhiều người mua du thuyền chỉ nhắm đến giá cả, mẫu mã và công nghệ. Tất nhiên, tất cả các yếu tố này đều vô cùng quan trọng, nhưng điều mà họ không nên bỏ qua chính là dịch vụ hậu mãi: họ cần có bến đỗ du thuyền, có đội ngũ dịch vụ luôn sẵn sàng sửa chữa mọi hỏng hóc phát sinh, và đó là cái mà Tamson Yachting mang lại”, ông Từ nói.

Ông chủ Openasia cũng cho biết, ông sẽ phát triển dịch vụ du thuyền cho thuê. “Sẽ có một vài thuyền thuộc sở hữu của chúng tôi, một vài thuyền thuộc các chủ khác là khách hàng của chúng tôi, và chúng tôi quản lý việc cho thuê giúp họ. Chúng tôi có hai chuyên gia nước ngoài trong đội ngũ của mình, hai người đàn ông Pháp đã gắn bó với nền công nghiệp này từ rất lâu, và họ đã huấn luyện đội ngũ thuyền trưởng, kỹ sư của chúng tôi được vài năm rồi”, ông Đại Từ chia sẻ.

Chúng tôi không chỉ cho thuê du thuyền lớn mà còn các mẫu nhỏ trong vòng vài tiếng, để đi từ Thanh Đa đến Đồng Nai chẳng hạn, một trải nghiệm rất thú vị. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có kế hoạch vận hành các loại hình trò chơi dưới nước. Tại Swan Bay, chúng tôi đang lên kế hoạch tạo khu chèo thuyền kayak, trường dạy sailing, vì chúng tôi có đa dạng các mẫu sailing yacht. Swan Bay giống như một hòn đảo biệt lập, vùng nước ở đó rất yên tĩnh, không có nhiều chướng ngại như xà lan hay container, rất thuận tiện cho các kế hoạch sắp tới.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Image